Vào đầu những năm 1990, biểu đồ chuyển dạ đã được Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) khuyến cáo sử dụng như một công cụ để theo dõi quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng và hoàn thành chính xác công cụ này vẫn còn thấp (lần lượt là 31% và 3%).
Theo khuyến cáo toàn cầu về theo dõi chuyển dạ năm 2018, TCYTTG đã đề xuất chỉnh sửa lại biểu đồ chuyển dạ dựa trên bằng chứng, liên quan đến sự khác biệt giữa các trường hợp chuyển dạ với kết quả chu sinh của trẻ, và thực tế là nhiều sản phụ không trải qua một cuộc chuyển dạ như thiết kế của biểu đồ chuyển dạ trước đây.
– Các khuyến cáo mới của TCYTTG dựa trên tổng hợp bằng chứng từ các cuộc chuyển dạ sinh có diễn tiến bình thường, cũng như từ các khuyến cáo nhằm hướng đến cải thiện quá trình chuyển dạ sinh, TCYTTG đã thiết kế biểu đồ chuyển dạ mới với tên gọi “Hướng dẫn chăm sóc chuyển dạ theo TCYTTG” (WHO Labour care Guide).

Mục tiêu:
– Hướng dẫn theo dõi và ghi nhận tình trạng sức khoẻ sản phụ và thai nhi trong quá trình chuyển dạ
– Hướng dẫn cho nhân viên y tế các kỹ năng chăm sóc hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ cho các sản phụ
– Xác định các biến chứng của cuộc chuyển dạ để giải quyết kịp thời
– Hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp không cần thiết trong chuyển dạ
– Hỗ trợ, cải thiện chất lượng của xử trí chuyển dạ.
* Những điểm tương đồng:
– Biều đồ biểu diễn tiến triển của độ mở cổ tử cung (CTC) và độ lọt của thai theo thời gian
– Ghi nhận đều đặn các thông số lâm sàng quan trọng, thể hiện tình trạng sức khoẻ của mẹ và thai.
* Những điểm đổi mới:
– Pha tích cực được bắt đầu khi CTC mở 5cm thay vì 4cm như trước đây.
– Thời gian để CTC mở thêm 1 cm ở pha tích cực được xác định dựa vào bằng chứng, thay vì cố định 1 cm/giờ ở đường báo động và đường hành động.
– Tăng cường thêm phần theo dõi giai đoạn II của quá trình chuyển dạ.
– Ghi nhận đầy đủ các can thiệp hỗ trợ kèm theo trong chuyển dạ, gồm giảm đau, lượng nước uống vào và tư thế.
– Chỉ ghi nhận tần số và độ dài cơn go, không ghi nhận cường độ cơn go tử cung (khó đánh giá trên lâm sàng).
– Nhân viên y tế theo dõi chuyển dạ cần đánh dấu lại các chênh lệch về thông số chuyển dạ và ghi nhận các xử trí tương ứng.
*** Hạn chế của biểu đồ chuyển dạ trước đây là: Không bao gồm giai đoạn II của quá trình chuyển dạ. Không có yêu cầu rõ ràng trong việc tiếp tục theo dõi tình trạng mẹ và thai và diễn tiến của giai đoạn II. Điểm này đã được cải thiện trong biểu đồ chuyển dạ mới.
____________________________________________

1. Hofmeyr, G., Bernitz, S., Bonet, M., Bucagu, M., Dao, B., Downe, S., … Oladapo, O. (2021). WHO next‐generation partograph: revolutionary steps towards individualised labour care. BJOG: An International Journal of Obstetrics & Gynaecology, 128(10), 1658–1662.
2. WHO Labour Care Guide: User’s Manual. Geneva: World Health Organization; 2020.
3. Philpott RH, Castle WM. Cervicographs in the management of labour in primigravidae. I. The alert line for detecting abnormal labour. J Obstet Gynaecol Br Commonw 1972;79:592–8.
4. Bonet M, Oladapo OT, Souza JP, Gulmezoglu AM. Diagnostic accuracy of the partograph alert and action lines to predict adverse birth outcomes: a systematic review. BJOG 2019; 126:1524–33
Nguồn: Bộ môn phụ sản ĐHYD Huế