COVID-19 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CHUYỂN DẠ, SINH CON VÀ CHĂM SÓC HẬU SẢN
Giới thiệu
Coronavirus – 2 gây hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS-CoV-2) là loại vi rút gây bệnh coronavirus 2019 (COVID-19). Thông tin về COVID-19 tiếp tục được bổ sung và hướng dẫn tạm thời của nhiều tổ chức liên tục được cập nhật, mở rộng nhằm nỗ lực cân bằng giữa chăm sóc thai sản dựa trên bằng chứng với các thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn liên quan đến COVID-19. Hướng dẫn sàng lọc và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bài viết này thường áp dụng cho các khu vực lây nhiễm hiện hành; các biện pháp này có thể được nới lỏng ở những vùng có tỷ lệ nhiễm thấp và tỷ lệ tiêm chủng cao.
Quản lí chuyển dạ và sinh con
Có nên khuyến khích sinh tại nhà trong các cộng đồng có tỷ lệ ca chủ động cao không?
Dù có một số bệnh nhân không triệu chứng lo ngại về việc ra khỏi nhà giữa đại dịch COVID-19, nhưng các bệnh viện và trung tâm sản khoa vẫn được công nhận là những cơ sở an toàn nhất để sinh.
Các cơ sở y tế có các biện pháp an toàn để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên khỏi bị lây nhiễm. Việc lây truyền SARS-CoV-2 qua bệnh viện cực kỳ hiếm khi các biện pháp này được thực hiện một cách thích hợp.
Các đơn vị chuyển dạ và sinh con cần được thực hiện những biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn nào?
Các biện pháp can thiệp kiểm soát nhiễm khuẩn để giảm lây truyền SARS-CoV-2 bao gồm:
Tầm soát bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng của COVID-19 (ví dụ: ho, đau đầu, đau họng, đau cơ, sốt, khó thở, mất vị giác / khứu giác) và bệnh nhân tiếp xúc gần với một ca nhiễm đã được xác nhận hoặc những ca đang được điều tra trước và trong khi vào bệnh viện.
Chuẩn bị tốt cho việc kiểm soát nhiễm khuẩn khi sản phụ được sàng lọc dương tính (ví dụ: sắp xếp phòng thích hợp nhất để chuyển dạ và sinh, đảm bảo có sẵn thiết bị bảo hộ cá nhân thích hợp [PPE], thảo luận về nguy cơ đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân).
Đảm bảo rằng mọi sản phụ và người đến khám đều đeo khẩu trang phẫu thuật khi vào cơ sở để kiểm soát nguồn lây chung. Ở nơi tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 cao, cần sử dụng một số biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn nâng cao khi chăm sóc cho những bệnh nhân nhập viện dù không nghi ngờ mắc COVID-19, kể cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Việc tiến hành xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 với bệnh nhân nhập viện chuyển dạ và sinh con tùy thuộc vào các triệu chứng, tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và tình trạng tiêm chủng của bệnh nhân. Những người mang thai nhập viện nghi ngờ nhiễm COVID-19 hoặc những người xuất hiện các triệu chứng phù hợp với COVID-19 trong thời gian nằm viện cũng nên được xét nghiệm. Ở những khu vực lây nhiễm rộng trong cộng đồng, xét nghiệm thường quy bằng test nhanh SARS-CoV-2 khi đến đơn vị để sinh (hoặc một ngày trước đó nếu nhập viện theo lịch), đặc biệt khi cộng động có tỷ lệ tiêm chủng không cao. Thông tin này sẽ giúp ích trong việc đưa ra các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn cả trong, sau khi sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh. Ví dụ, trong giai đoạn chuyển dạ hoạt động, sự lây truyền của virus đáng quan tâm khi sản phụ nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc chưa có triệu chứng liên tục thở ra mạnh.
Chăm sóc sản phụ nhiễm COVID-19 trong một phòng đơn thông thoáng, có cửa đóng và phòng tắm chuyên dụng. Phòng cách ly lây nhiễm qua đường không khí (tức là phòng áp suất âm) nên được ưu tiên cho những sản phụ đang làm các thủ thuật tạo hạt khí dung (aerosol). Cơ sở y tế nên sử dụng PPE đầy đủ (áo choàng, găng tay, mũ, khẩu trang N95, tấm che mặt).
Khi chăm sóc sản phụ đã xác nhận hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, nhân viên y tế nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc và phòng giọt bắn (ví dụ: áo choàng, găng tay, khẩu trang, tấm che mặt hoặc kính bảo hộ). Đặc biệt, trong các giai đoạn sản phụ nỗ lực hô hấp sâu và trong giai đoạn hai chuyển dạ, nhân viên y tế cũng nên sử dụng thêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong không khí (ví dụ: mặt nạ N95 hoặc mặt nạ lọc không khí được hỗ trợ, nếu có).
Nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp và giảm thời gian lưu trú ở đơn vị chuyển dạ và bệnh viện, vì điều này có thể thực hiện một cách an toàn.
Nhân viên y tế có nguy cơ mắc COVID-19 qua phơi nhiễm trong cộng đồng và trong bệnh viện có hướng dẫn riêng về hạn chế làm việc và giám sát sau phơi nhiễm cũng như việc trở lại làm việc sau khi xác nhận hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.
Có nên hoãn sinh mổ chương trình hay khởi phát chuyển dạ ở những sản phụ có triệu chứng nhẹ không?
Chúng tôi đánh giá những sản phụ có triệu chứng nhẹ để xác định khả năng đảm bảo an toàn về sản khoa khi hoãn lịch khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai cho đến khi có kết quả xét nghiệm COVID-19. Đây là một quyết định cá được cá thể hóa và cần đánh giá nguy cơ khi tiếp tục mang thai trên từng thai phụ có kết quả xét nghiệm không rõ, dương tính hay âm tính với COVID-19. Đặc biệt, nếu kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ có lợi nếu sản phụ không hoãn sinh bởi vì bệnh có thể nặng hơn theo thời gian (các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn vào tuần thứ hai của bệnh).
Những sản phụ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính, khởi phát chuyển dạ hoặc sinh mổ vẫn được thực hiện theo các chỉ định y khoa / sản khoa thích hợp (bao gồm cả khởi phát chuyển dạ tuần 39) không được hoãn hoặc lên lịch lại. Những sản phụ cần làm chín cổ tử cung, có thể ngoại trú bằng ống nong. Đối với bệnh nhân nội trú cần chín cổ tử cung, có thể dùng hai phương pháp (ví dụ: cơ học và misoprostol hoặc cơ học và oxytocin) có thể làm giảm thời gian từ khi khởi phát đến khi sinh, so với chỉ sử dụng một phương pháp.
Có nên cho phép người hỗ trợ vào cơ sở chuyển dạ và sinh con không?
Hầu hết các cơ sở y tế công nhận rằng có một người hỗ trợ là quan trọng đối với sản phụ trong chuyển dạ và cho phép ít nhất một người hỗ trợ. Doula là một nhân viên tại một số cơ sở. Ở một số vùng, cả người hỗ trợ gia đình và doula đều được cho phép.
Người hỗ trợ có bất kỳ dấu hiệu / triệu chứng phù hợp với COVID-19 hoặc xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong vòng 10 ngày không được phép tham gia quá trình chuyển dạ và sinh nở.
Người hỗ trợ cần đeo tấm che mặt và ở bên cạnh sản phụ chuyển dạ (có thể không được rời khỏi phòng rồi trở lại) trong suốt lúc sinh.
Lựa chọn ngã sinh
Sản phụ bị nhiễm không có triệu chứng hoặc không nặng
COVID-19 không phải là chỉ định để thay đổi đường sinh đã được dự kiến. Sinh mổ không làm giảm nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh, nguy cơ này vốn đã thấp.
Thậm chí khi các nghiên cứu trong tương lai xác định việc lây truyền dọc từ mẹ sang con khi sinh, thì đây cũng không phải là chỉ định mổ lấy thai vì mổ lấy thai sẽ làm tăng nguy cơ cho mẹ và ít khả năng cải thiện kết cục cho con vì các báo cáo về nhiễm COVID-19 ở trẻ sơ sinh thường là bệnh nhẹ.
Sản phụ mắc bệnh nặng hoặc nguy kịch
Ở những sản phụ bị COVID-19 nặng hoặc nguy kịch, sinh mổ theo các chỉ định sản khoa, hoặc khi lo ngại tình trạng mất bù cấp tính ở sản phụ được đặt nội khí quản và bệnh nặng.
Khởi phát chuyển dạ có thể được thực hiện an toàn ở bệnh nhân được đặt nội khí quản. Ttuy nhiên, khởi phát chuyển dạ dài không thực tế về mặc thực hành nếu bệnh nhân được đặt nội khí quản và chuyển dạ trong phòng mổ hoặc đơn vị chăm sóc tích cực, do các thiết bị và nhân viên chuyên dụng ở những nơi này. Sinh mổ thường được thực hiện ở những bệnh nhân này.
Dù ngã sinh hay bất kỳ nơi sinh nào (ví dụ: đơn vị chuyển dạ và sinh con, phòng mổ, đơn vị chăm sóc tích cực), cần có một đội chăm sóc đa khoa để chăm sóc cho bất kỳ bà mẹ nào bị bệnh nặng / nguy kịch và trẻ sơ sinh (ví dụ: bác sĩ hồi sức, bác sĩ y học mẹ-thai nhi, sơ sinh, nữ hộ sinh, bác sĩ nhi và các khó khác).
Giảm đau và gây mê khi chuyển dạ ở những bệnh nhân đã biết hoặc nghi ngờ COVID-19
Những bệnh nhân mắc hoặc nghi mắc COVID-19 không có chống chỉ định gây tê. Gây tê giúp giảm đau hiệu quả do đó làm giảm áp lực lên tim phổi do đau và lo lắng, cũng như giảm cơ hội lây vi rút, và gây tê luôn có sẵn trong trường hợp cần phải mổ lấy thai khẩn cấp, do đó không cần thiết phải gây mê toàn thân.
Thông tin về việc làm sạch, lọc và tạo khí dung tiềm ẩn với việc sử dụng các hệ thống giảm đau khi chuyển dạ bằng oxit nitơ trong thời COVID-19 không đủ. Có một guideline đề xuất sử dụng một bộ lọc vi sinh cho bệnh nhân.
Sử dụng magie sulfat ở những sản phụ suy hô hấp
Ở những sản phụ không đặt nội khí quản bị suy hô hấp do COVID-19, dùng magnesi sulfat để điều trị dự phòng co giật và/hoặc bảo vệ não thai nhi cần được theo dõi cẩn thận (nồng độ magie, nhịp thở, độ bão hòa oxy máu) vì mức magiê cao (10 đến 13 mEq / L [12 đến 16 mg / dL hoặc 5,0 đến 6,5 mmol / L]) có thể gây liệt cơ hô hấp. Ở những bệnh nhân bị tổn thương thận cấp do COVID-19, nên chỉnh liều magie sulfat thay vì ngừng dùng thuốc. Ở những bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, các dấu hiệu ngộ độc hô hấp do magie sẽ khó nhận biết; do đó, rối loạn nhịp tim hoặc ngưng tim có thể là dấu hiệu đầu tiên khi ngộ độc nặng.
Việc theo dõi và thực hiện các thủ thuật với sản phụ và thai nhi
Ở những sản phụ mắc COVID-19 không nặng, theo dõi sản phụ và thai nhi như thường quy, ngoại trừ những điều sau:
Theo dõi tim thai liên tục bằng máy điện tử (EFM) được khuyến cáo vì đã có báo cáo tăng tỉ lệ bỏ sót các bất thường ở những bệnh nhân mang thai có nghi ngờ hoặc xác nhận COVID-19, tuy nhiên những nhóm này có tỷ lệ viêm phổi cao.
SARS-CoV-2 hiếm khi được tìm thấy trong dịch tiết âm đạo hoặc nước ối, vì vậy chọc ối hay đo tim thai bên trong tử cung theo các chỉ định như bình thường. Tuy nhiên quá trình chuyển dạ và rặn, thường làm són phân, phân có thể chứa vi rút.
Việc cho sản phụ thở oxy khi không bị giảm oxy máu sẽ không có lợi cho thai nhi, vì vậy không nên cho mẹ thở oxy chỉ để hồi sức thai nhi. Hơn nữa, ống thông mũi và khẩu trang tiếp xúc với đường hô hấp và dịch tiết của sản phụ, việc xử lý các thiết bị này sẽ làm tăng lây nhiễm.
Không nên chậm trễ giúp sản phụ vào giai đoạn 2 chuyển dạ (sổ thai).
Lưu ý khi sinh
Kẹp cắt dây rốn muộn vẫn được thực hiện với sản phụ mắc COVID-19 vì rất ít nguy cơ truyền bệnh từ mẹ bị nhiễm sang thai nhi. Tuy nhiên, một số cơ sở chọn không thực hiện việc này ở trẻ đủ tháng, vì lợi ích của nó rất nhỏ, thay vì để giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ sơ sinh với vi rút trong môi trường ngay lập tức và giảm tình trạng vàng da cần chiếu đèn.
Da kề da ở tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh trong phòng sinh, các bà mẹ bị nhiễm COVID có thể thực hiện da kề da và cho con bú trong phòng sinh một cách an toàn nếu đeo khẩu trang phẫu thuật và vệ sinh tay đúng cách.
Dự trữ tế bào gốc máu cuống rốn vẫn được thực hiện nếu đã lên kế hoạch; nguy cơ lây truyền COVID-19 qua mẫu máu vẫn chưa được ghi nhận và hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
Xử trí giai đoạn ba chuyển dạ không bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hầu hết bệnh nhân băng huyết sau sinh vẫn được điều trị theo quy trình chuẩn. Tuy nhiên, một số bác sĩ lâm sàng không dùng axit tranexamic ở bệnh nhân COVID-19 vì đặc tính chống tiêu sợi huyết của và các biện pháp điều trị để cầm máu khác đều sẵn có. Tính chống tiêu sợi huyết có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở những bệnh nhân có tình trạng tăng đông, ví dụ như những người bị bệnh nặng hoặc nguy kịch. Một số nhà chức trách đề nghị tránh dùng methylergometrine vì nó có liên quan đến các trường hợp suy hô hấp và co mạch nặng ở những bệnh nhân nặng. Tuy nhiên không có sự đồng thuận cũng như dữ liệu để làm căn cứ đưa ra khuyến nghị này.
Ở những bệnh nhân bị sốt sau sinh, cần chẩn đoán phân biệt nhiễm COVID-19, đặc biệt khi có các triệu chứng hô hấp và giảm oxy máu kèm theo và nên được xét nghiệm SARS-CoV-2 (hoặc xét nghiệm lại) kèm với đánh giá các nguyên nhân thường gặp gây sốt chu sinh.
Chăm sóc sau sinh
Thực hiện biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm trùng
Sản phụ nghi ngờ hoặc xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 nên được cách ly khỏi sản phụ không bị nhiễm và được chăm sóc theo các hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm chung.
Theo dõi sản phụ
Đối với những sản phụ đã mắc hoặc nghi mắc COVID-19 không có triệu chứng, cần theo dõi thường quy sau sinh.
Đối với sản phụ bệnh nhẹ, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn và theo dõi lượng nhập xuất mỗi 4 giờ trong 24 giờ sau sinh ngã âm đạo và trong 48 giờ sau khi sinh mổ.
Đối với sản phụ bệnh mức đọ trung bình, theo dõi SpO2 liên tục trong 24 giờ đầu hoặc cho đến khi các triệu chứng cải thiện. Việc thực hiện xét nghiệm theo dõi và chụp X-quang ngực tùy diễn tiến bệnh.
Đối với sản phụ bệnh nặng hoặc nguy kịch cần theo dõi chặt chẽ tại phòng sanh hoặc phòng chăm sóc tích cực.
Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Thuốc kháng đông liều dự phòng sau sinh được khuyến cáo cho sản phụ mắc bệnh COVID-19 nặng / nguy kịch nếu không có chống chỉ định, và thường ngừng thuốc khi sản phụ được xuất viện. Sản phụ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và nhập viện vì các lý do khác (ví dụ: chuyển dạ và sinh) không cần dùng thuốc kháng đông sau sinh trừ khi họ có các yếu tố nguy cơ huyết khối khác như tiền căn huyết khối tĩnh mạch (VTE) hoặc một số trường hợp sinh mổ. Heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc heparin không phân đoạn và cả hai đều dùng được khi cho con bú.
Giảm đau sau sinh
Giảm đau thường quy, ưu tiên acetaminophen, tuy nhiên không cần tránh dùng các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs) khi lâm sàng có chỉ định.
Sốt sau sinh
Các chẩn đoán phân biệt khi bệnh nhân sốt sau sinh:
Mắc COVID-19
Nhiễm trùng nội mạc tử cung sau sinh
Nhiễm trùng vết mổ
Viêm hoặc nhiễm trùng vú
Cúm
Viêm bể thận
Nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút hoặc vi khuẩn khác
Viêm đại tràng giả mạc do Clostridioides difficile.
Sản phụ sau sinh khởi phát triệu chứng COVID-19
Ở những sản phụ đã xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, mới khởi phát triệu chứng nghi nhiễm SAR-CoV-2 cần xét nghiệm lại và đánh giá tình trạng sốt cũng như biểu hiện mắc COVID-19 khác.
Xuất viện
Sản phụ không mắc COVID-19
Nên xuất viện sớm sau sinh, có thể một ngày sau khi sinh ngả âm đạo và hai ngày sau khi sinh mổ, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong môi trường bệnh viện.
Nên tiêm ngừa COVID-19. Cho con bú không phải là chống chỉ định tiêm ngừa COVID-19.
Sản phụ đã biết hoặc nghi ngờ mắc bệnh COVID-19
Việc xuất viện đối với sản phụ mắc bệnh COVID-19 thường giống với các bệnh lý khác.
Tất cả bệnh nhân có triệu chứng cảnh báo nên được khám sớm bằng cách khám từ xa và khám trực tiếp. Các triệu chứng cảnh báo gồm khó thở mới xuất hiện, khó thở nặng lên, chóng mặt và thay đổi tri giác ví dụ như lú lẫn.
Tiêm ngừa SARS-CoV-2
Sản phụ sau sinh dù cho con bú hay không cho con bú vẫn được khuyên nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mà không cần trì hoãn đến sau khi ngừng cho con bú. Kháng thể chống virus SARS-CoV-2 sinh ra do mẹ được tiêm vắc xin qua được sữa mẹ và có thể bảo vệ em bé. Tuy nhiên vắc xin qua được sữa mẹ thì không có tác động bảo vệ vì vắc xin sẽ bị bất hoạt bởi hệ tiêu hóa của em bé.
Đánh giá và chăm sóc trẻ sơ sinh
Đánh giá trẻ sơ sinh
Trẻ sinh từ sản phụ nghi mắc hoặc mắc COVID-19 cần được được điều tra và phải được xét nghiệm tìm RNA SARS-CoV-2 bằng chuỗi phản ứng polymerase phiên mã ngược (RT-PCR). Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) gợi ý những điều sau để chẩn đoán nhiễm ở trẻ sơ sinh:
Xét nghiệm khi trẻ được khoảng 24 giờ tuổi. Nếu âm tính, xét nghiệm lại vào 48 giờ tuổi. Nếu trẻ khỏe mạnh, không có triệu chứng sẽ được xuất viện trước 48 giờ tuổi, chỉ cần làm một xét nghiệm duy nhất khi trẻ được 24 đến 48 giờ.
Dùng một que phết mũi hầu, sau đó dùng một que phết họng riêng hoặc hai que phết riêng biệt từ hai vị trí này cho vào một xét nghiệm duy nhất.
Hai xét nghiệm là lý tưởng vì một RT-PCR dương tính duy nhất trong có thể thấy sự nhân lên của vi rút đang hoạt động, nhưng cũng có thể là đoạn vi rút dính phải khi trẻ đi qua âm đạo hoặc từ môi trường và do đó không phải là nhiễm virut sơ sinh. Tương tự như vậy, máu cuống rốn có thể dương tính với RT-PCR do nhiễm từ máu mẹ. Nếu các xét nghiệm sau đó dương tính ở những bệnh phẩm vô trùng (ví dụ như máu, mẫu dịch tiết đường hô hấp dưới, dịch não tủy) cũng giúp phân biệt nhiễm bẩn hay nhiễm virut sơ sinh.
Xét nghiệm huyết thanh ít giúp ích vì xét nghiệm immunoglobulin M (IgM) dương tính giả và âm tính giả đều xảy ra; do đó, xét nghiệm huyết thanh dương tính luôn cần xét nghiệm khẳng định, tốt nhất là xét nghiệm phân tử chẩn đoán.
SARS-CoV-2 IgM dương tính thật ở trẻ sơ sinh <7 ngày tuổi được cho là nhiễm tử cung trong khi IgM âm tính khi <7 ngày tuổi và dương tính khi >7 phản ánh nhiễm trùng trong lúc sinh hoặc ngay sau sinh.
Tiếp xúc giữa mẹ và trẻ sơ sinh trong bệnh viện
Mẹ nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2, không nên tách mẹ và trẻ sơ sinh sau sinh vì nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 của trẻ sơ sinh từ mẹ thấp. Tuy nhiên, các bà mẹ nên đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi tiếp xúc với trẻ đồng thời, cần có khoảng cách hợp lý giữa cơ thể mẹ và trẻ hoặc đặt trẻ sơ sinh trong lồng ấp nếu được. Việc truyền thụ động kháng thể kháng SARS-CoV-2 từ mẹ qua nhau thai có thể không giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm virut từ mẹ
Các yếu tố cần xem xét để giữ tiếp xúc mẹ và trẻ:
Sống chung phòng giúp dễ nuôi con bằng sữa mẹ, tạo mối liên kết và giúp giáo dục cha mẹ, thúc đẩy người thân chăm sóc trẻ.
Có thể cần tách mẹ khỏi bé với những bà mẹ quá ốm yếu, không thể chăm sóc con hoặc những bà mẹ cần chăm sóc cao hơn.
Có thể cần tách mẹ và trẻ nếu trẻ có nguy cơ mắc bệnh nặng cao (ví dụ như trẻ sinh non, trẻ bệnh tiềm ẩn, trẻ cần chăm sóc cao hơn).
Việc tách riêng để giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con không hiệu quả nếu trẻ dương tính với SARS-CoV-2 hoặc nếu mẹ và trẻ tiếp xúc lại sau khi xuất viện mà chưa đủ tiêu chuẩn ngừng kiểm dịch.
Nếu một thành viên khỏe mạnh khác trong gia đình chăm sóc trẻ (ví dụ như quấn tã, tắm, cho ăn) thì họ nên thực hiện các biện pháp bảo hộ (ví dụ: khẩu trang, vệ sinh tay).
Khi nào ngừng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm giữ mẹ và trẻ sơ sinh
Đối với các bà mẹ có triệu chứng
Những bà mẹ có triệu chứng nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 không còn là nguy cơ lây truyền vi rút cho trẻ nếu họ đáp ứng tất cả các tiêu chí để ngừng cách ly và các biện pháp phòng ngừa:
Ít nhất đã 10 ngày kể từ khi các triệu chứng đầu xuất hiện (tối đa 20 ngày nếu họ bệnh nặng hoặc nguy kịch hoặc bị suy giảm miễn dịch nặng).
Ít nhất đã 24 giờ kể từ lần sốt cuối cùng (không dùng thuốc hạ sốt).
Các triệu chứng đã cải thiện
Đối với các bà mẹ nhiễm không triệu chứng
Ít nhất đã 10 ngày kể từ khi xét nghiệm dương tính.
Kết quả RT-PCR không giúp ích ở hầu hết bệnh nhân vì kết quả dương tính có thể còn tồn tại đến vài tuần sau khi khỏi bệnh. Kết quả này dương tính cho thấy sự hiện diện RNA virut chứ không mang ý nghĩa virut còn sống.
Bú sữa mẹ và bú sữa công thức
Nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 qua sữa mẹ có thể rất thấp. Các báo cáo các mẫu sữa mẹ của các bà mẹ mắc COVID-19 đều cho kết quả âm tính.
Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ vì nó mang lại nhiều lợi ích cho bà mẹ và trẻ. Trong trường hợp mẹ mắc COVID-19 hoặc mẹ tiêm ngừa COVID-19, trẻ sơ sinh có thể được bảo vệ nhờ kháng thể thụ động từ sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ
AAP ủng hộ việc cho con bú ở các bà mẹ có COVID-19, nhưng cần sát khuẩn tay trước và đeo khẩu trang trong khi cho con bú.
CDC đã ban hành hướng dẫn xử trí các tình huống khác nhau:
Những bà mẹ không có yếu tố nghi nhiễm COVID-19, hoặc đã được chủng ngừa COVID-19 không cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho con bú hoặc vắt sữa.
Những bà mẹ chưa được tiêm chủng đầy đủ COVID-19 nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và đứa trẻ khi một trong hai là đối tượng nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19.
Nuôi con bằng sữa mẹ được vắt ra
Nếu mẹ và bé bị tách riêng thì nên có một người khỏe mạnh cho trẻ bú sữa mẹ đã vắt ra cho đến khi mẹ bình phục hoặc được xác nhận không nhiễm bệnh, miễn là người chăm sóc kia khỏe mạnh và tuân theo các biện pháp phòng ngừa.
Nếu không có người chăm sóc khỏe mạnh, các bà mẹ mắc hoặc nghi mắc COVID-19 cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây truyền cho trẻ trong khi cho bú (đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và vú, khử trùng các bề mặt mà mẹ đã tiếp xúc như bình sữa, túi sữa). Tuy nhiên, giá trị của các biện pháp này chưa được nghiên cứu chính thức.
Sữa thanh trùng từ người hiến sữa
Phương pháp thanh trùng có thể loại bỏ vi rút SARS-CoV-2 có khả năng sao chép.
Trẻ bú sữa công thức
Đây là biện pháp tốt nhất đối với các bà mẹ mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Tuy nhiên nếu không thể thực hiện thì vẫn có thể cho trẻ bú mẹ và sử dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm kể trên.
Mức độ an toàn của thuốc kháng vi-rút
Remdesivir, trẻ sơ sinh không có khả năng hấp thụ một lượng thuốc đáng kể từ sữa mẹ. Không có phản ứng nghiêm trọng nào được báo cáo ở trẻ sơ sinh được điều trị bằng remdesivir tiêm tĩnh mạch điều trị Ebola.
Tài liệu tham khảo
https://www.uptodate.com/contents/covid-19-labor-birth-and-postpartum-issues-and-care