Các thay đổi sinh lý của tuyến giáp diễn ra đáng kể trong thai kỳ và có thể bị nhẫm lẫn với bất thường tuyến giáp ở mẹ. Cả nhiễm độc giáp và suy giáp đều có liên quan đến kết cục thai kì bất lợi. Cũng có những mối lo ngại về bệnh lý tuyến giáp ở thai phụ ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi. Cường giáp không được điều trị đầy đủ có liên quan đến tăng sinh non, thai nhẹ cân, sẩy thai, thai lưu. Thêm vào đó, các thuốc tác dụng lên tuyến giáp có thể đi qua nhau thai và tác động lên tuyến giáp của thai nhi.
Vào tháng 6/2020, Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã đưa ra bản khuyến cáo về những thay đổi sinh lý bệnh liên quan đến tuyến giáp xảy ra trong thai kỳ và các ảnh hưởng của bệnh lý tuyến giáp của sản phụ lên kết cục mẹ và thai nhi.
Nội dung
𝗖𝗮́𝗰 𝗸𝗵𝘂𝘆𝗲̂́𝗻 𝗰𝗮́𝗼 𝘃𝗮̀ 𝗸𝗲̂́𝘁 𝗹𝘂𝗮̣̂𝗻 𝗱𝘂̛̣𝗮 𝘁𝗿𝗲̂𝗻 𝗯𝗮̆̀𝗻𝗴 𝗰𝗵𝘂̛́𝗻𝗴 𝗺𝘂̛́𝗰 đ𝗼̣̂ 𝗔:
- Tầm soát rộng rãi bệnh lý tuyến giáp trong thai kì không được khuyến cáo vì việc xác định và điều trị sản phụ có suy giáp cận lâm sàng không cho thấy kết quả trong việc cải thiện kết cục thai kỳ và chức năng thần kinh nhận thức ở thai nhi.
- Nếu được chỉ định thì xét nghiệm sàng lọc đầu tiên để đánh giá tình trạng tuyến giáp nên là đánh giá nồng độ TSH.
- Nồng độ TSH nên được theo dõi ở sản phụ đang được điều trị suy giáp, và liều levothyroxine nên được điều chỉnh cho phù hợp với nồng độ TSH mục tiêu, giữa giới hạn dưới của khoảng tham chiếu và 2,5 mIU/L. Nồng độ TSH thường được đánh giá sau mỗi 4–6 tuần trong khi điều chỉnh thuốc.
- Phụ nữ mang thai bị suy giáp rầm rộ nên được điều trị với liệu pháp thay thế hormone giáp đầy đủ để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các kết cục bất lợi.
- Nồng độ FT4 nên được theo dõi ở phụ nữ có thai đang được điều trị cường giáp, và liều thuốc kháng giáp (thioamide) nên được điều chỉnh cho phù hợp để đạt được FT4 ở cận trên của khoảng tham chiếu trong thai kỳ bình thường. Trong số những phụ nữ bị nhiễm độc giáp T3, T3 toàn phần nên được theo dõi với mức mục tiêu là cận trên của khoảng tham chiếu trong thai kỳ bình thường.
- Phụ nữ mang thai bị cường giáp nặng nên được điều trị với thuốc kháng giáp (thioamide).
𝗖𝗮́𝗰 𝗸𝗵𝘂𝘆𝗲̂́𝗻 𝗰𝗮́𝗼 𝘃𝗮̀ 𝗸𝗲̂́𝘁 𝗹𝘂𝗮̣̂𝗻 𝗱𝘂̛̣𝗮 𝘁𝗿𝗲̂𝗻 𝗯𝗮̆̀𝗻𝗴 𝗰𝗵𝘂̛́𝗻𝗴 𝗺𝘂̛́𝗰 đ𝗼̣̂ 𝗕:
- Cả thuốc propylthiouracil hay methimazole, cả hai loại thioamides, đều có thể được sử dụng để điều trị cho sản phụ bị cường giáp nặng. Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào đang ở giai đoạn tam cá nguyệt nào của thai kỳ, đáp ứng với liệu pháp điều trị trước, và loại nhiễm độc giáp chủ yếu là T4 hay T3.
𝗖𝗮́𝗰 𝗸𝗵𝘂𝘆𝗲̂́𝗻 𝗰𝗮́𝗼 𝘃𝗮̀ 𝗸𝗲̂́𝘁 𝗹𝘂𝗮̣̂𝗻 𝗱𝘂̛̣𝗮 𝘁𝗿𝗲̂𝗻 𝗯𝗮̆̀𝗻𝗴 𝗰𝗵𝘂̛́𝗻𝗴 𝗺𝘂̛́𝗰 đ𝗼̣̂ 𝗖:
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp nên được thực hiện ở những phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường týp 1, hoặc nghi ngờ trên lâm sàng có bệnh lý tuyến giáp.
- Đánh giá chức năng tuyến giáp không được khuyến cáo ở những bệnh nhân nôn nghén quá độ trừ khi có các dấu hiệu khác rõ ràng về cường giáp nặng.
____________________________________________
𝗧𝗮̀𝗶 𝗹𝗶𝗲̣̂𝘂 𝘁𝗵𝗮𝗺 𝗸𝗵𝗮̉𝗼:
1. Thyroid Disease in Pregnancy: ACOG Practice Bulletin, Number 223. Obstet Gynecol. 2020 Jun;135(6):e261-e274.
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32443080/
2. Alexander EK, Pearce EN, Brent GA, et al. 2017 guidelines of the American Thyroid Association for the diagnosis and management of thyroid disease during pregnancy and the postpartum [published erratum appears in Thyroid 2017;27:1212]. Thyroid 2017;27:315–89. (Level III).
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28056690/
3. Korevaar TI, Muetzel R, Medici M, et al. Association of maternal thyroid function during early pregnancy with offspring IQ and brain morphology in childhood: a population-based prospective cohort study. Lancet Diabetes Endocrinol 2016;4:35–43. (Level II-2)
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26497402/Nguồn: BM Sản ĐH Y Dược Huế