Hướng dẫn chăm sóc thai kỳ ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên

DFB465C7 B8D4 4994 A48D A6E234FB193D

Hội Sản Phụ khoa Hoa kỳ và Hội Y học bà mẹ và thai nhi Hoa kỳ vừa đưa ra hướng dẫn chăm sóc thai kỳ cho nhóm phụ nữ trừ 35 tuổi trở lên (nhóm thai phụ được xem là có yếu tố nguy cơ cao) như sau:

1. Tất cả thai phụ có dự sinh ở thời điểm từ 35 tuổi trở lên nên được tư vấn như một thai kỳ nguy cơ cho các biến chứng trên mẹ và con (Grade 2C, khuyến cáo yếu, mức độ chứng cứ thấp)

2. Aspirin liều thấp (81 mg/ngày) nên được sử dụng mỗi ngày nhằm giảm nguy cơ tiền sản giật, nếu thai phụ có thêm 1 yếu tố nguy cơ trung bình* (Grade 1B, khuyến cáo mạnh, mức độ chứng cứ trung bình).

3. Cần siêu âm khảo sát số lượng thai trong tam cá nguyệt đầu do tỷ lệ đa thai tăng cùng với tuổi người phụ nữ (Grade 2C, khuyến cáo yếu, mức độ chứng cứ thấp).

4. Các biện pháp sàng lọc di truyền trước sinh (prenatal genetic screening) và các test chẩn đoán như chọc ối hay sinh thiết gai nhau nên được thảo luận với tất cả thai phụ, bất kể lứa tuổi và nguy cơ bất thường di truyền. Sau khi đã được tư vấn chi tiết, thai phụ sẽ có toàn quyền quyết định có nên thực hiện hay không (Grade 1A, khuyến cáo mạnh, mức độ chứng cứ cao).

5. Do nguy cơ thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể và dị tật bẩm sinh tăng cao, thai phụ có dự sinh ở thời điểm từ 35 tuổi trở lên nên được siêu âm đánh giá hình thái học thai nhi một cách chi tiết ở tam cá nguyệt 2 (Grade 2C, khuyến cáo yếu, mức độ chứng cứ thấp).

6. Đối với các thai phụ có dự sinh ở thời điểm từ 40 tuổi trở lên, nguy cơ thai lớn hay nhỏ so với tuổi thai tăng cao, do đó, cần siêu âm đánh giá sự phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt 3 (Grade 2C, khuyến cáo yếu, mức độ chứng cứ thấp).

7. Đánh giá sức khoẻ thai nên được bắt đầu thực hiện từ tuần thai 32 – 36 trên những thai phụ có dự sinh ở thời điểm từ 40 tuổi trở lên, do nguy cơ thai lưu tăng cao ở nhóm thai phụ này (Grade 2B, khuyến cáo yếu, mức độ chứng cứ trung bình).

8. Khuyến cáo chấm dứt thai kỳ chủ động ở tuổi thai 39 0/7 – 39 6/7 tuần trên những thai phụ có dữ liệu tuổi thai chính xác và có dự sinh ở thời điểm từ 40 tuổi trở lên, vì bệnh suất sơ sinh và nguy cơ thai lưu tăng cao sau tuổi thai này (Grade 1B, khuyến cáo yếu, mức độ chứng cứ trung bình).

9. Sinh ngả âm đạo nên được khuyến khích, trừ khi có chỉ định mổ lấy thai vì các nguyên nhân từ mẹ hay thai. Việc tư vấn nên bao gồm cácnguy cơ của mổ lấy thai, bệnh lý đi kèm của thai phụ cũng như mong muốn của thai phụ. Mẹ lớn tuổi đơn thuần không phải là chỉ định của mổ lấy thai (Grade 2B, khuyến cáo mạnh, mức độ chứng cứ trung bình).

*Bao gồm con so, béo phì (BMI trên 30), tiền căn gia đình có tiền sản giật, thu nhập thấp, tiền sử cá nhân (nhẹ cân hay nhỏ so với tuổi thai, tiền căn xuất hiện các biến chứng sản khoa, khoảng cách với lần có thai trước > 19 năm và thai thụ tinh trong ống nghiệm

BS Đặng Quang Vinh dịch.

Để lại một bình luận